Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

CẢNG THẠNH PHƯỚC; MỞ CON ĐƯỜNG 
LOGICTICS MỚI CHO BÌNH DƯƠNG.
Tiềm năng to lớn của cảng THạnh Phước khi là nơi trung chuyển hàng hóa cho các KCN của Bình Dương đi khắp thế giới. Trong khi hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, khi các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3 chưa có. Thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Giá cước vận chuyển thấp hơn so với đường bộ.
Là tỉnh công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm trên 15 tỷ USD, Bình Dương vẫn luôn được xem là một trong những tỉnh thành giàu tiềm năng logistics trong cả nước. Và với hệ thống đường bộ gần như quá tải, thì nhu cầu về cảng sông cho khu vực Bình Dương là một nhu cầu có thật và ngày càng lớn.
Để đáp ứng nhu cầu đó, các nhà đầu tư đã phải trải qua nhiều khó khăn, cụ thể trong việc giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư, nhân sự và việc tìm kiếm khách hàng cho cảng. Và bằng những nỗ lực và quyết tâm của các nhà đầu tư, ngày 9.5.2012, Thạnh Phước - cảng sông đầu tiên của tỉnh Bình Dương đã chính thức đi vào hoạt động, mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực logistics.
Cảng Thạnh Phước nằm phía đông nam tình Bình Dương, cạnh sông Đồng Nai và dọc theo đường ĐT 747A (thuộc ấp Tân Lương, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Do đó cảng có vị trí thuận lợi trong việc kết nối vùng thông qua các trục đường chính của tỉnh, và nhiều tiềm năng phát triển logistics.
Sự ra đời của Cảng Thạnh Phước còn mang ý nghĩa khai thông đường thủy, tạo ra cơ sợ hạ tầng tốt hơn, giúp việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được thuận lợi, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, cảng còn hỗ trợ các cảng nước sâu tăng công suất tiếp nhận hàng hóa, và góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ ra vào TP.HCM bằng đường bộ...
Cảng đã đi vào hoạt động ở giai đoạn 1 với 2 cầu cảng có tổng chiều dài 124m, 2 cẩu liebherr với công suất bốc dỡ đạt 312.500 tấn/năm, hệ thống đường bãi, kho hàng diện tích 37.000m2, thiết bị làm hàng... với tổng chi phí đầu tư là 220 tỷ đồng. Cảng có khả năng tiếp nhận tàu và sà lan từ 1.000 - 2.000 tấn. Sau khi hoàn thành, cảng có công suất bốc dỡ đạt tới 5 triệu tấn/năm. Đây là một kỳ vọng không nhỏ cho một một xã với cơ cấu kinh tế 65% là nông nghiệp.
Đặc biệt, ngày 30.6 sắp tới, khi công văn yêu cầu chấm dứt hoạt động đối với các lò gạch thủ công, và lò gạch không phép của UBND tỉnh Bình Dương có hiệu lực, xã Thạnh Phước với 14 lò trong diện phải ngưng hoạt động, thì giá trị kinh tế của huyện sẽ trông chờ rất nhiều vào hoạt động của cảng.
Hiện Cảng Thạnh Phước đang xúc tiến hợp tác với các hãng tàu có lượng khách hàng lớn tại khu vực và có thể hoạt động sớm tại cảng như Biển Đông, Vinafco, Vsico, Vinalines Container (tuyến nội địa HCM-Hải Phòng); Hanjin, Wanhai, Maerks Lines, MOL… nhằm tạo tiền đề tốt nhất cho những hoạt động của cảng trong tương lai, góp phần mở con đường logistics mới cho tỉnh Bình Dương.
HOÀN THIỆN CHUỖI CUNG ỨNG LOGISTICS
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT – TGĐ UNIGROUP, một trong ba nhà đầu tư Cảng Thạnh Phước cho biết: Cảng Thạnh Phước bổ sung thiết thực vào các hoạt động của công ty CP Giao nhận Vận tải U&I. Hoạt động của cảng là một trong những phần nối dài trong chuỗi dịch vụ mà U&I đang hoàn thiện để cung cấp cho khách hàng chuỗi cung ứng các dịch vụ hoàn thiện nhất.
Hạ tầng đường bộ ở Bình Dương nhìn chung tương đối tốt, tuy vậy để nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng Thạnh Phước, hiện tỉnh đã có kế hoạch mở rộng đường nối các khu công nghiệp chính với cảng, điển hình là đường ĐT 747A. Đường tạo lực 2B nối với KCN Nam Tân Uyên cũng đã được đầu tư mới tạo nhiều cơ hội cho việc giao thương trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Tín cũng băn khoăn, Cầu Ghềnh với độ tĩnh không thấp là trở ngại lớn nhất. Để vận tải bằng đường sông từ Thạnh Phước đi các cảng nước sâu hiệu quả thì ít nhất phải sử dụng sà lan 2000 tấn. Để giải quyết việc này cần có sự phối hợp của Trung ương và tỉnh Đồng Nai.
Ngoài chức năng chính của cảng là bốc dỡ hàng hóa tổng hợp và container phục vụ xuất nhập khẩu, cảng còn đầu tư vào những dịch vụ phụ trợ khác để có thể cung cấp cho khách hàng các dịch vụ cung ứng hoàn hảo như: kho bãi, trung tâm phân phối; bãi chứa container rỗng; sữa chữa container; dịch vụ vận tải đường thủy, đường bộ; và dịch vụ đại lý thủ tục hải quan…
Cảng Thạnh Phước ra đời mở ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thúc đẩy sự phát triển, góp phần ổn định thu hút đầu tư và thay đổi diện mạo mới của xã, của tỉnh trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa Bình Dương.
Cảng Thạnh Phước được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và được xây dựng trên 53 ha, gồm 16 cầu cảng với tổng vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2010 đến 2014, có diện tích xây dựng 25 ha với tổng vốn đầu tư 780 tỷ đồng, công suất bốc dỡ sau khi hoàn thành đạt 2,5 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2 từ năm 2014-2018, diện tích xây dựng là 28 ha với vốn đầu tư 610 tỷ đồng, công suất bốc dỡ sau khi hoàn thành đạt tới 5 triệu tấn/năm.
Thời gian trung bình vận chuyển hàng hóa, container bằng sà lan từ cảng đến Cảng Đồng Nai là 1,5 giờ , đến Cát Lái là 7 giờ, đến các cảng Sài Gòn là 7,5 giờ, đến cảng SPCT là 8 giờ, đến các cảng ở khu vực Cái Mép là 15 giờ.
Theo Xuân Vy
www.vlr.vn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét